Hãy để lại số điện thoại để nhận tư vấn
Dinh dưỡng ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi chúng ta. Một chế độ ăn uống không khoa học, chứa nhiều các thực phẩm không tốt có thể dẫn tới nhiều bệnh lý, trong đó có ung thư.
Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh mà còn giúp những người ung thư tăng khả năng điều trị, giảm nguy cơ phát triển các tế bào ung thư. Do đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh, và có mối liên hệ mật thiết trong điều trị.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, trong các nguyên nhân gây ra ung thư thì dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35%, trong khi đó vai trò của thuốc chiếm khoảng 30%, thấp hơn so với dinh dưỡng.
Lý do dinh dưỡng và ung thư có mối liên quan với nhau được thể hiện ở hai khía cạnh sau:
Một là, sự có mặt của các chất gây ung thư có trong các thực phẩm, thức ăn, đồ uống.
Hai là, các chất đóng vai trò làm giảm nguy cơ gây ung thư như vitamin, chất xơ…; đồng thời sự mất cân đối trong khẩu phần ăn cũng là một nguyên nhân sinh bệnh.
Theo tài liệu của viện Ung thư Hoa Kỳ nghiên cứu cho thấy thực phẩm có nhiều tác động tới sức khỏe con người. Các nhóm chất có trong thực phẩm có thể gây ung thư, cụ thể như sau:
Ăn nhiều những thực phẩm mốc, lên men, nướng cháy dễ gây ung thư
- Nhóm 1, nhóm thực phẩm chứa Nitrosamin: Nhóm này hay gặp trong các thực phẩm như cà muối, dưa muối bị lên men khú, hỏng; trong thịt chế biến sẵn được đóng hộp: Xúc xích, dăm bông, thịt hộp… Do các chất nitrit và nitrat thường có tự nhiên trong các chất bảo quản các thực phẩm chế biến. Ăn nhiều thực phẩm chứa nitrit và nitrat có thể dẫn tới ung thư đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày.
- Nhóm 2, nhóm thực phẩm chứa Aflatoxin: Aflatoxin là chất được sinh ra từ nấm mốc Aspergillus flavus. Đây là một chất gây ra bệnh ung thư gan, bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới. Loại nấm mốc này thường xuất hiện trong các ngũ cốc bị mốc, đặc biệt là trong lạc mốc. Do đó khi tiêu thụ các thực phẩm này là có thể tăng nguy cơ ung thư gan.
Ngoài ra, một số chất phụ gia và các chất gây nhiễm khác có trong thực phẩm như chất paradimethyl aminobenzen dùng để nhuộm bơ thành “bơ vàng” cũng có khả năng gây ung thư gan.
- Nhóm 3, nhóm Acrylamide: Nhóm chất này thường có trong các thực phẩm, thức ăn bị nướng cháy chứa tinh bột như bắp (ngô) nướng, khoai nướng, bánh mì nướng quá nhiệt độ. Đôi khi chất này còn có trong cà phê tự rang.
- Nhóm 4, nhóm chất Benzen: Thường xuất hiện trong đồ uống đóng chai như nước hay đồ uống pha thêm hương liệu, vị hoa quả.
- Nhóm 5, nhóm chất Benzopyrene: Chất này cũng thường gặp ở thức ăn nướng nhưng chủ yếu là ở thịt mỡ nướng nhiệt độ trên 250 độ C. Hoặc sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần cũng làm sản sinh Benzopyrene. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ nhiễm Benzopyrene, hãy hạn chế sử dụng thức ăn chiên rán sử dụng dầu ăn thừa, dầu ăn đã qua chiên rán nhiều lần trong thời gian lâu.
Hầu hết các nhóm chất trên đều có trong các thực phẩm quen thuộc mà người Việt ăn hàng ngày. Đặc biệt như món dưa, cà muối do đó cần cân nhắc ăn vừa phải, tránh để lên men hoặc những người có bệnh lý nền hạn chế ăn.
Ngoài 5 nhóm chất trên, thì nhóm chất béo và thịt cũng được các nhà nghiên cứu trên thế giới cho thấy, chúng có mối liên quan giữa bệnh ung thư đại trực tràng với chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật.
Ăn nhiều mỡ, thịt động vật gây ung thư do cơ chế làm tiết nhiều axit mật, chất ức chế quá trình biệt hóa của các tế bào niêm mạc ruột, làm tăng nguy cơ K đại trực tràng. Hoặc khi tiêu thụ quá nhiều chất béo sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Hay các nhóm chất phụ gia tăng màu sắc và độ bền cho thực phẩm như màu vàng chanh (số 65), màu vàng cam (số 6), màu đỏ (số 3 và số 40) đều là các phụ gia không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy nên hạn chế sử dụng các loại chất phụ gia hoặc khi dùng cần phải đúng liều lượng để giảm nguy cơ gây bệnh.
Trong đó phải kể đến nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ như hoa quả và rau xanh.
Rau củ là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin & chất xơ
Các chất xơ trong nhóm thực phẩm này làm hạn chế sinh ung thư do cơ chế thúc đẩy nhanh lưu thông ống tiêu hóa, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột. Mặt khác bản thân chất xơ có thể gắn và cố định các chất gây ung thư để bài tiết theo phân ra ngoài cơ thể.
Các loại vitamin A, C, E làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư phổi… thông qua quá trình oxy hóa, chống đột biến gen. Đặc biệt các loại rau thơm và rau gia vị với các thành phần chống oxy hóa mạnh có lợi cho sức khỏe như flavonoid, carotenoid, lutein, vitamin C…
Chế độ ăn uống còn phụ thuộc vào vào thể trạng của từng người. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên chứa 30g chất xơ và ít nhất 400g trái cây và rau quả mỗi ngày, đặc biệt là các loại rau củ quả không chứa nhiều tinh bột.
Dù ăn thuần chay hay không thì hãy ưu tiên các thực phẩm từ thực vật như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn. Với nhóm người có bệnh mãn tính như ung thư thì 2/3 số đồ ăn trong bữa nên là trái cây, rau, đậu, các loại đậu, ngũ cốc, quả hạch hoặc hạt.
Tình trạng sức khỏe như gương phản ánh chế độ ăn uống của bạn. Nếu ăn uống ít muối, đường sức khỏe sẽ tốt hơn. Các thực phẩm giàu omega-3, nhiều rau xanh, trái cây cũng giúp bạn giảm 30% nguy cơ bệnh tim mạch. Các chế độ ăn giàu thực phẩm giàu chất xơ, chất béo không bão hòa giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ tiểu đường.
Bên cạnh hạn chế sử dụng các nhóm thực phẩm xấu, ăn nhiều thực phẩm tốt thì để tăng cường bảo vệ sức khỏe, chúng ta cần kết hợp tập luyện thể dục và nghỉ ngơi hợp lý.