CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG PHÒNG NGỪA UNG THƯ

Dinh dưỡng và điều trị có mối quan hệ mật thiết, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh mà còn giúp người ung thư tăng khả năng điều trị, giảm nguy cơ phát triển các tế bào ung thư.

Không có một thực phẩm nào có thể chống hay chữa ung thư, tuy nhiên một chế độ dinh dưỡng cân bằng, với các thực phẩm nhất định cũng có thể tăng khả năng miễn dịch, giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh, từ đó giảm nguy cơ mắc ung thư. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư, một trong số nguyên nhân đó liên quan tới chế độ ăn uống, nhất là ung thư về đường tiêu hóa. Theo một số nghiên cứu, một phần ba các trường hợp ung thư có liên quan đến việc thiếu hoạt động thể chất và chế độ ăn uống dinh dưỡng. Ví dụ như ăn uống không cân bằng giữa các chất, nhiều đạm ít chất xơ, hay bỏ bữa, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thịt đỏ, đồ cay nóng, ủ muối; thực phẩm ôi thiu, mốc, tẩm các hóa chất cũng có thể dẫn đến ung thư.

Chế độ dinh dưỡng cần được thiết lập và lên kế hoạch, bởi bạn không thể thay đổi thói quen ăn uống của bản thân được trong 1-2 ngày, mà cần thay đổi từ từ. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như ăn uống đúng đủ bữa, lựa chọn các thực phẩm healthy và sau đó thiết lập thực đơn ăn uống phù hợp với cơ thể.

Nên kết hợp đa dạng các nhóm thực phẩm, có thể tăng cường miễn dịch thông qua thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và có chỉ số dinh dưỡng cao. Chúng cũng bảo vệ cơ thể chống lại các tế bào ung thư.

Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật

Thực vật mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chính vì vậy mà hiện nay xu hướng ăn chay đang được nhiều người áp dụng để nâng cao sức khỏe.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ ăn có nhiều thực phẩm từ ngũ cốc và thực phẩm thực vật giàu chất xơ sẽ giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Dù bạn có ăn thuần chay hay không, thì hãy ưu tiên sử dụng thực phẩm như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn hàng ngày.

Các thực phẩm thuộc nhóm thực vật nên chiếm ⅔ số đồ ăn trong thực đơn. Một số thực phẩm giúp tăng khả năng miễn dịch, cũng như giảm sự phát triển của bệnh lý như bông cải xanh, việt quất, rau lá xanh đậm, tỏi, nho, trà xanh, bí đỏ, cà chua, ngũ cốc tự rang, đậu nành…

Hạn chế không sử dụng các chất kích thích và thịt chế biến sẵn

Rượu hay chất kích thích được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư. Như rượu, đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng tới đường tiêu hóa dạ dày, ruột…gây ra các bệnh ung thư miệng, thực quản, gan, ruột kết hay dạ dày.... Trong khi đó hút thuốc lá có hại cho phổi, tăng nguy cơ ung thư phổi, gan.

Tương tự, nếu tiêu thụ quá nhiều nhóm thực phẩm chế biến sẵn, nhất là thịt sẽ có nguy cơ ung thư đại tràng.

Chính vì vậy, việc không sử dụng đồ uống chứa cồn, các chất kích thích hay thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt đỏ, soda sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn uống phòng ung thư được Chuyên gia khuyến nghị: 

- Ung thư phổi và dạ dày: Ăn nhiều trái cây. 

- Ung thư thanh quản, họng, miệng và phổi: Ăn nhiều các loại rau củ quả chứa hàm lượng carotenoid cao như cải xoăn, khoai lang, bí, rau mầm, cà chua và cà rốt.

- Ung thư thực quản và dạ dày: Chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế tinh bột, như rau bina, các loại đậu, bông cải xanh…

- Ung thư thực quản: Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như đậu Hà Lan, quả mọng, rau lá xanh đậm, cam, ớt chuông đỏ.

- Ung thư tuyến tiền liệt: Sử dụng thực phẩm giàu lycopene trong các loại quả như dưa hấu, bưởi hồng, ổi, cà chua…

Trên đây là một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh. Mọi thông tin góp ý, xin vui lòng để lại tại bình luận dưới bài viết này.

 

Bài viết liên quan

scrolltop