Bổ sung dưỡng chất thực vật giúp nâng cao miễn dịch cho người cao tuổi 

Hệ miễn dịch người cao tuổi theo thời gian sẽ lão hóa, do đó chủ động tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung thêm từ các dưỡng chất thực vật giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng.

Người cao tuổi thường dễ gặp các bệnh lý nền như: Tim mạch, huyết áp, các bệnh lý về mạch máu não nên dễ gặp nguy cơ đột quỵ…Một trong những nguyên nhân người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý này hơn do hệ miễn dịch bị suy giảm.

Người cao tuổi có thể tăng cường miễn dịch thông qua dinh dưỡng

Khi hệ miễn dịch yếu, vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập cơ thể và giảm khả năng hồi phục khi mắc bệnh. Thậm chí, miễn dịch suy giảm còn có thể dẫn đến ung thư, hay các bệnh lý khác liên quan đến tuổi tác và làm giảm hiệu quả của vaccine.

Từ thực trạng này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị để chăm sóc sức khỏe và tăng cường miễn dịch cho người lớn tuổi cần chú trọng đến dinh dưỡng. Trong các giải pháp dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho người lớn tuổi, thì nên ưu tiên thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu thực vật nhiều hơn.

Do khi càng lớn tuổi, chức năng hệ tiêu hóa suy giảm nên việc dung nạp quá nhiều chất, nhất là đạm động vật sẽ không tốt cho người già. Một chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin từ thực vật được xem là bữa ăn lý tưởng giúp hệ thống tiêu hóa dễ dàng hơn. Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ ăn trong ngày, chúng ta cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong các món ăn. Cùng thiết lập một chế độ giàu các vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao miễn dịch bao gồm: vitamin A, C, E, một số khoáng chất sắt, kẽm, vitamin D.

Nhóm Vitamin A

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, thiếu vitamin A có thể làm giảm bài tiết các tuyến ngoại tiết dẫn tới vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn.

Một số loại thực vật chứa nhiều vitamin A kể đến như gấc, rau dền rau ngót…

Nhóm Vitamin C

Vitamin C cần thiết cho các tế bào miễn dịch lympho T và bạch cầu, giúp tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp.

Vitamin C có rất nhiều trong các loại rau củ, chiếm tới hơn 90% trong các loại rau: Rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi,… và các trái cây như: Ổi, cam, quýt, chanh, đu đủ, bưởi…

Nhóm Vitamin E

Vitamin E có rất nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên như: Đậu tương, chế phẩm từ đậu tương giá đỗ, hạt vừng mè, lạc, mầm lúa mạch, dầu ô liu, dầu hướng dương hay trong các loại rau màu xanh đậm.

Vitamin E có vai trò chống oxy hóa vitamin A và các chất béo của màng tế bào, tham gia vào quá trình chuyển hóa tế bào, bảo vệ tế bào trước các bệnh nhiễm khuẩn. 

Nhiều vi chất giàu dinh dưỡng có trong thực vật

Nhóm Vitamin D

Vitamin D thường ít có trong thực phẩm, mà phải bổ sung dạng chế phẩm hay tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Nếu có thể, nên bổ sung 1 viên đa vitamin khoáng chất/ ngày để nâng cao miễn dịch. Một số loại thực phẩm giàu vitamin D như ngũ cốc và yến mạch, nấm…

Sắt

Sắt là thành phần enzyme của hệ miễn dịch giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy. 

Sắt có nhiều trong một số loại nấm như mộc nhĩ, nấm hương, hay rau dền đỏ và các loại đậu tương,..

Kẽm

Duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm chức năng miễn dịch thường xảy ra theo tuổi tác.

Nghiên cứu cho thấy rằng, đặc biệt đối với những người lớn tuổi, việc duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi.

Trong một nghiên cứu của người lớn tuổi ở nhà điều dưỡng, những người có nồng độ kẽm huyết thanh bình thường có tỷ lệ viêm phổi thấp hơn so với những người có nồng độ kẽm huyết thanh thấp. Các nghiên cứu liên quan đến người lớn tuổi cho thấy bổ sung kẽm giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và tăng đề kháng với bệnh nhiễm trùng.

Kẽm có nhiều trong các loại hạt điều, cacao, bí ngô, rau bina, nấm

Người cao tuổi cũng cần lưu ý nên bổ sung các chất béo lành mạnh, chất béo tốt cho sức khỏe từ các loại hạt, quả bơ, cá béo và dầu thực vật… Hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

Bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt: gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt… hay các thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây sẽ tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch; giúp ngăn ngừa táo bón, duy trì cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Bổ sung đạm (protein) thực vật thay đến đạm động vật từ các loại đậu để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Uống sữa hạt, sữa chua hay các thực phẩm bổ sung từ ngũ cốc 1-2 ly/ngày giúp cung cấp thêm protein, canxi, các vi chất cho cơ thể.

Người cao tuổi nên uống nước theo nhu cầu cơ thể trong ngày, khoảng 1,5 - 2 lít/ngày, tốt nhất nên uống nước ấm ngay sau khi ngủ dậy, có thể tham khảo uống mật mía hà thủ ô ấm.

Bên cạnh đó, để có một sức khỏe tốt và một hệ miễn dịch khỏe mạnh, người cao tuổi cần kết hợp vận động, tập luyện thể thao và giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, an lành.

 

Bài viết liên quan

scrolltop