Khám phá điều kỳ diệu từ hạt mè đen

Mè đen (vừng đen) là hạt ngũ cốc dinh dưỡng được sử dụng phổ biến trong chế biến món ăn ở nước ta. Vậy mè đen có công dụng gì? Chúng có giá trị dinh dưỡng ra sao? Và sử dụng mè đen như thế nào để tốt cho sức khỏe? Mời bạn đọc cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.

1. Giá trị dinh dưỡng của hạt mè đen

Mè đen chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu khá lớn từ protein tới các khoáng chất như mangan, canxi, đồng…Trong khoảng 9 gam (1 muỗng canh) mè đen khô nguyên hạt sẽ chứa khoảng: 

- 51,6 calo

- 2,1g carbohydrate

- 1,6g chất đạm

- 4,5g chất béo

- 1,1g chất xơ

- 0,4mg đồng (18% giá trị hằng ngày - DV)

- 0,2mg mangan (11% DV)

- 87,8mg canxi (9% DV)

- 31,6mg magiê (8% DV)

- 1,3mg sắt (7% DV)

- 56,6mg phốt pho (6% DV)

- 0,7mg kẽm (5% DV)

- 0,1mg thiamine (5% DV)

- 0,1mg vitamin B6 (4% DV)

Hạt mè đen tuy nhỏ nhưng có giá trị dinh dưỡng cao

Mè đen cũng là một trong những loại hạt chứa hàm lượng dầu cao nhất, nó chứa tới 60% dầu và 20% protein, do đó mè đen trở thành nguồn thực vật cung cấp các axit béo và axit amin có thể thay thế động vật đối với người ăn thuần chay.

Hạt mè đen có vị đậm đà, bùi ngậy, có thể rang để làm vừng ăn, nấu chè, sữa… Dầu mè đen cũng được sử dụng phổ biến trong các món trộn salad.

2. Những công dụng của hạt mè đen với sức khỏe

Mè đen cung cấp protein và chất xơ dồi dào cùng các khoáng chất quan trọng như sắt, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu và mệt mỏi. Đồng trong mè đen giúp duy trì sức khỏe thần kinh và quá trình trao đổi chất.

Theo đông y, mè đen (hắc chi ma) có vị ngọt, tính bình, dưỡng huyết, ích khí lực, bền gân cốt, sáng mắt, là vị thuốc được dùng nhiều để chữa bệnh táo bón, tăng cường dinh dưỡng, lợi sữa, chữa thiếu máu, suy nhược thần kinh, suy giảm trí nhớ, mất ngủ… 

- Hỗ trợ bệnh lý tim mạch và chứng tăng huyết áp: Magie trong mè đen giúp giãn mạch máu, có tác dụng giảm huyết áp. Mức phytosterol cao có trong mè giúp làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Magie và khoáng chất trong mè đen có tác dụng kiểm soát lượng đường huyết 

- Kiểm soát đường huyết: Chiết xuất dầu mè có thể điều hòa lượng insulin và glucose trong cơ thể do chúng rất giàu các khoáng chất có tác dụng tốt đối với người tiểu đường. Ngoài ra, mè đen có nhiều chất xơ giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Nó cũng có thể giữ cho lượng đường trong máu ổn định để ngăn chặn sự tăng đột biến dẫn đến cảm giác đói và thèm ăn gia tăng.

- Phòng ngừa ung thư: Dù hạt mè đen kích thước nhỏ nhưng thành phần dinh dưỡng lại rất cao, trong mè đen chứa axit phytic - hợp chất chống các bệnh ung thư như: ung thư bạch cầu, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy... tăng cường khả năng miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa.

- Hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa: Chất phytosterol trong mè là một loại dinh dưỡng thực vật có cấu trúc tương tự như cholesterol hoạt động trong ruột. Chúng giúp loại bỏ cholesterol trong đường ruột, làm giảm lượng cholesterol có sẵn và có thể hấp thụ được. Đồng thời chất xơ trong mè giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng, hệ tiêu hóa cũng hoạt động trơn tru hơn, phòng ngừa các bệnh hệ tiêu hóa.

- Làm đẹp: Kẽm trong mè đen có thể giúp tăng sinh collagen giúp da, móng, tóc chắc khỏe hơn. Mè đen cũng rất thích hợp cho những người muốn cải thiện vóc dáng, giúp giảm cân hiệu quả.

3. Món ăn bài thuốc từ mè đen

- Suy nhược cơ thể: mè đen, lá dâu non lượng bằng nhau, tán nhỏ, làm hoàn với mật, mỗi hoàn 10g, ngày uống 1 - 2 hoàn.

- Trị táo bón kéo dài: mè đen, lá dâu mỗi vị 100g, sa sâm, mạch môn mỗi vị 200g, tán nhỏ, làm hoàn với mật, mỗi hoàn 10g, ngày uống 1 - 2 hoàn.

- Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu não: mè đen, hà thủ ô, ngưu tất lượng bằng nhau, tán bột, làm hoàn, mỗi hoàn 10g, ngày uống 2 - 3 hoàn.

- Viêm thận mạn tính: mè đen 0,5kg, quả óc chó 0,5kg, táo đỏ vừa đủ. Vừng đen và quả óc chó tán nhuyễn, ngày 3 lần, mỗi lần 20g, sau khi uống, nhai thêm 7 quả táo (đây là 1 liệu trình, uống hết chế biến tiếp).

- Sức yếu, lưng gối mỏi đau: mè đen, thục địa, ý dĩ, rượu với mỗi thứ vừa đủ. Bọc trong túi vải, ngâm trong rượu 1 tuần, dùng uống lúc bụng đói.

Mè đen vừa là lương thực, vừa là bài thuốc trong các món ăn

- Chức năng gan và thận suy: mè đen, lá dâu với mỗi thứ có lượng bằng nhau, nếp vừa đủ, nấu cháo ăn.

- Mẩn ngứa mề đay: mè đen 10g, táo đen 10g, đậu đen 10g. Sắc uống, ngày 1 tháng, uống liên tục.

- Sản phụ thiếu sữa: mè đen 250g, giò heo 2 - 3 cái, gia vị vừa đủ. Giò heo hầm canh, vừng đen sau khi rang tán nhuyễn, uống với canh giò heo, mỗi lần 15g, ngày 3 lần.

- Hen suyễn: mè đen 250g (sao), gừng 120g, đường phèn 100g, mật ong 100g. Gừng vắt lấy nước, trộn với vừng, rồi cho vào chảo rang thơm, để nguội. Đường phèn và mật ong nấu chảy trộn đều với vừng, sau cùng chứa trong một lọ. Mỗi sáng và chiều múc ăn 1 muỗng canh.

- Thiếu máu: mè đen 15g, cẩu kỷ tử 15g, thục địa 20g, đảng sâm 30g, đương quy 10g, bạch thược 10g, sắc uống, ngày 1 - 2 lần.

- Trẻ em ho gà: mè đen 50g, lạc 30g, mật ong 50ml. Tất cả cho vào nồi, thêm nước nấu canh, ăn sau khi nấu chín, ngày 1 lần, dùng liền 3 - 5 ngày.

- Suy giảm trí nhớ, hay quên, mất ngủ: mè đen 250g, quả óc chó 250g, đường vàng 0,5kg. Rang chín vừng và quả óc chó. Đun nước đường cho nước vừa đủ, nấu nhỏ lửa khi đường chảy dính, kéo lên thành sợi, tắt bếp, đổ vào mè đen, quả óc chó, trộn đều, sau khi đổ vào những khuôn có lót dầu ăn, chờ nguội, cắt miếng, mỗi lần dùng 15g, ngày 3 lần, ăn thường xuyên.

Mè đen không chỉ là thực phẩm mà còn là vị thuốc trong y học cổ truyền, mang lại giá trị cao đối với sức khỏe con người.

 

Bài viết liên quan

scrolltop