Công thức làm món ăn thực dưỡng từ bài 6 đến bài 3 

Những người ăn thực dưỡng thường áp dụng các bài ăn từ số 3 đến số 6 để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh, chế độ ăn này chỉ có hạt cốc, rau củ và canh súp. Sau đây là công thức một số món ăn cho bệnh nhân khi ăn từ bài 6 đến bài 3, giúp người bệnh cảm thấy ngon miệng lại tốt cho sức khỏe.

Món canh dưỡng sinh

- Nguyên liệu: Lá rau củ cải trắng, khoảng 1/3 chùm lá, có cả cọng, chú ý phải là loại rau sạch không có chất bảo vệ thực vật, hoặc dùng dạng khô. Một củ cà rốt nhỏ. Một cái nấm đông cô nhật, có lằn nứt nẻ màu trắng, 40 – 60 gam ngưu bàng tươi hoặc 6 – 8 gam khô. Khoảng 5 gam rong biển. 

- Chế biến: Tất cả nguyên liệu trên cho vào nồi thuỷ tinh có nắp. Đổ nước ngập, sôi lửa nhỏ khoảng một tiếng. Khi bắc ra có thể cho ít miso hoặc tamari. Lượng ăn phải theo bài ăn đã quy định. 

- Tốt cho các bệnh, nhất là ung thư máu.

Món canh cải rong biển 

- Nguyên liệu: Vài lá cải xanh đắng, hoặc cải bẹ, loại rau sạch, cắt ngắn khoảng 3 phân. Khoảng 5 gam rong biển. 

- Chế biến: Cả 2 thứ cho vào xoong xào với ít dầu mè, cho ít nước đun sôi vài phút, bắc ra cho chút tamari và bột ngọt rong biển là có thể ăn được.

- Tốt cho bệnh tuyến giáp, tiểu đường.

Súp rau củ - Miso Natto

- Nguyên liệu: 1 - 2 nấm đông cô, 3 - 4 miếng phổ tai hoặc 5 gam rong biển, một củ cà rốt nhỏ hoặc một củ cải thái mỏng hình chữ nhật, 15 gam đậu lăng hoặc đậu đỏ, miếng bí đỏ, 1 thìa bột sắn dây, chút miso, 30 gam Natto, ít lá mùi tàu. 

- Chế biến: Cho vào nồi áp suất phổ tai, nấm đông cô, cà rốt, rong, bí đỏ. Khi chín nhừ, cho bột sắn dây pha chút nước nguội rồi đổ vào, sau cùng mùi tàu thái nhỏ, miso, natto cho vào là được nồi súp ngon. 

- Tốt cho bệnh tim mạch, xương khớp.

Món giò phù trúc phổ tai mộc nhĩ và giò lụa

- Nguyên liệu và cách chế biến: 400 gam váng đậu ngâm nước nhiều lần cho sạch, rồi vớt ra thỏi nhỏ. 50 ml dầu dừa phi với 50 gam hành boa rô (tỏi tây) và chút gừng tươi, tinh bột nghệ, sau đó chắt nước dầu để xào với phổ tai và mộc nhĩ đã xử lý thái nhỏ cùng với váng đậu, cho chút muối Himalaya, hạt nêm rong biển Nhật, bột hạt tiêu. Bó giò bằng lá rong hoặc lá chuối cho chặt, hấp trong khoảng 3 - 4 giờ là xong. Nếu làm giò lụa thì không cho phổ tai và mộc nhĩ. Bó hành boa rô để làm vào việc khác. 

Món phở lứt xào - ăn bữa sáng

- Nguyên liệu và cách chế biến: Khoảng 50 – 100 gam mỳ phở lứt khô (làm từ gạo lứt 100%), ngâm nước khoảng 15 phút, trần sôi trong 2 - 3 phút, đổ ra rổ nhôm xối nước lạnh cho đỡ bết dính. Một củ cà rốt thái chỉ, 1 - 2 tàu lá cải xanh đắng, rửa sạch cắt nhỏ, trần qua nước sôi 1 phút. Cà rốt và cải cho vào chảo hoặc xoong, 1 thìa dầu, cho ít gấc thay cà chua. Xào cho chín, cho chút nước. Khi sôi lên thì cho mì phở vào đảo đều, cho mùi tàu, tamari, natto. Muốn ăn món phở xào khô, cho 1 thìa dầu mè hoặc dầu dừa, đun lửa nhỏ, cho mì lứt đã luộc, đảo đều, cho chút miso, natto, cala thầu… có món phở xào ngon. 

- Ăn bữa sáng để đổi bữa, tránh gây chán ăn cho người bệnh.

Món súp tương đặc Miso

- Nguyên liệu: Một miếng phổ tai khoảng 5 gam. Một muỗng cà phê miso, một củ hành tím xắt nhỏ hoặc nửa củ cà rốt thái mỏng (dùng cho phật tử không ăn hành).

- Cách làm: Rửa sạch miếng phổ tai và ngâm nước cho nở, rồi xắt sợi ngắn, phi hành và chút gừng với 1 muỗng cà phê dầu dừa vào xoong, cho nước đun sôi rồi để lửa nhỏ khoảng 30 phút. Cho miso và chút bột sắn dây, rồi nêm vào xoong, rắc ít mùi tàu thái nhỏ. Có thể cho ít rau củ: củ sen, củ cải trắng, bắp cải…

- Tốt cho bệnh ung thư, tăng miễn dịch tự nhiên.

Món sốt Miso - Natto

Phi dầu dừa với hành khô, cà chua, gấc. Sau cho sắn dây, thì là, mùi tàu, natto.

Món bánh tráng lứt cuốn

- Cách làm: Bánh tráng lứt nhúng nước lọc sạch rồi cuốn nhân: cala thầu hoặc củ cải muối và miến đã luộc trần (trộn thính gạo lứt), rau sống hay dưa chuột sạch. Pha nước chấm từ Haimi, tương kho quẹt, mù tạt và dầu mè Nhật.

Món ca la thầu xổi

- Nguyên liệu: Củ cải Việt Nam 

- Cách làm: cắt miếng dạng thỏi, phơi nắng cho tái hoặc trần qua nước sôi, rồi ngâm tamari khoảng 1 tuần.

Món chả đậu đỏ

- Nguyên liệu: 200 gam đậu đỏ đã nấu chín, 3 thìa bột ngô, 2 thìa dầu dừa, 100gr (cà rốt, bí ngô, đậu xanh, mùi tàu, thì là), 1 thìa cà phê bột nghệ, 1/5 thìa cà phê tiêu.

- Chế biến: Đậu đỏ nấu chín, đem xay nhuyễn với các nguyên liệu trên, nặn thành hình viên, rồi nướng ở nhiệt độ 180 độ trong khoảng 10 phút.

Món chả Tempeh

- Nguyên liệu: Tempeh (chính là tương nén được làm từ đậu nành). 

- Cách làm: cắt miếng mỏng, chiên dầu dừa, cho ít tinh bột nghệ chiên vàng 2 mặt, sau đó cho ít bột sắn dây pha với miso, chiên vàng.                                   

Món nộm

- Nguyên liệu: cà rốt, củ sen, củ cải, khế, ít giò ham, rau răm, rau thơm, ớt, vừng rang giã hoặc vừng nếp. 

- Cách làm: Cà rốt và củ cải sau khi thái chỉ phải bóp muối trần nước sôi trước khi trộn với các loại trên. 

Món bánh đậu phụ - đậu xanh - mộc nhĩ chiên rán 

Dùng dầu dừa hoặc dầu cọ chiên rán ít bị chất độc hại phân hủy khi chiên dầu ở nhiệt độ cao.

Món củ quả kho tương cổ truyền

- Nguyên liệu và cách chế biến: 400 gam chuối xanh tước vỏ, 100 gam ngưu bàng, 100 gam củ sen, 200 gam bí đỏ, 10 gam củ cải muối, 40 gam giềng, 2 củ sả, 1 thìa canh tinh bột nghệ, 2 thìa canh dầu dừa, 2 quả mơ muối, 10 gam phổ tai, 1 nắm lá tía tô, 2 thìa canh tương. Tất cả sau sơ chế cho vào nồi đun sôi nhỏ lửa kho chín, để sau khoảng 2 - 3 giờ sẽ ăn được.

Món nước sốt đặc biệt

- Cách làm: Một thìa Haimi (hoặc Tekka Miso), một thìa tương kho quẹt, một chút mù tạt, một chút bột sắn dây pha với ít nước lạnh, một thìa dầu mè Nhật hoặc dầu gấc dừa, chút hạt nêm. Tất cả cho vào xoong đun quấy chín bắc ra luôn. Món nước xốt này thường dùng chấm bánh hỏi, bánh tráng lứt cuốn….

Cách làm đậu phụ tại nhà

250 gam đậu nành khô vo đãi sạch ngâm qua đêm. Sau đó xả qua nước lạnh thật sạch, chà vỏ sạch, cho đậu nành vào máy xay với lượng nước 1,2 lít; xay nhuyễn.

Đặt miếng vải mỏng lên mặt xoong, đổ nước đậu xay vào vải và vắt nước đậu vào xoong. Sau đó đun sôi để 20 – 25 phút ở lửa vừa. Cho nước cốt mơ muối vào khuấy đều tay nấu 5 – 7 phút nữa cho đậu nành kết thành những mảng nhỏ. Tắt bếp để hơi nguội.

Trải một miếng vải mỏng lên rổ nhỏ, sau đó múc các mảng đậu nành cho vào bọc lại. Lấy một vật nặng đè lên miếng đậu vài tiếng để nước thoát hết ra ngoài và đậu kết thành miếng. Độ nặng nhẹ của vật đè lên sẽ làm cho miếng đậu chắc hay mềm là tùy theo ý thích của người ăn.

Khi đậu nguội, bạn mới lấy đậu ra khỏi khuôn. Không lấy quá sớm đậu phụ dễ bị nát.

Cách làm Natto tại nhà

Natto là nguồn cung cấp protein thực vật có giá trị cao cho người ăn thực dưỡng, phòng ngừa và hỗ trợ chữa đột quỵ, tim mạch, xơ vữa nhồi máu cơ tim, loãng xương, tiêu hóa. Để có Natto hoặc là phải mua ở các cửa hàng thực dưỡng uy tín, hoặc phải tự làm như sau:

- Phương pháp ủ bằng rơm sạch lên men tự nhiên: Vi khuẩn Natto tự nhiên có trong rơm, phát triển rất tốt trên hạt đậu tương được làm chín ở nhiệt độ khoảng 40 độ. Rơm sạch được xử lý luộc sôi khoảng 2 – 3 phút để diệt khuẩn, vi khuẩn Natto chịu được nhiệt độ sôi lâu hơn. Sau đó rơm bó lại thành bó ngắn và ninh đậu tương thật nhừ, rồi nhét vào giữa bó rơm. Để các bó rơm ở nhiệt độ khoảng 38 – 40 độ trong 3 ngày là có được món Natto lên men tự nhiên.

 

Bài viết liên quan

scrolltop